Nguồn tài nguyên quý từ các di tích khảo cổ tại Hạ Long

Các di sản khảo cổ học trên địa bàn TP Hạ Long là biểu hiện của sự trường tồn, kết nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa lịch sử với văn hoá và là nguồn tài nguyên quý giá của cộng đồng các dân tộc trong việc phát triển du lịch.

Di chỉ Đồng Mang (phường Giếng Đáy) khai quật năm 1938.
Di chỉ Đồng Mang (phường Giếng Đáy) khai quật năm 1938. Ảnh: Bảo tàng Quảng Ninh.

Hạ Long hiện có nhiều di tích khảo cổ được coi là tài nguyên chưa được phát lộ và rất quý giá của cộng đồng các dân tộc sinh sống và làm việc trên địa bàn thành phố, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Thành phố có tổng cộng 96 di tích, trong đó có 1 di tích quốc gia đặc biệt, 6 di tích quốc gia, 16 di tích cấp tỉnh và 73 di tích đã được kiểm kê, phân loại. Trong số đó có 7 di tích đã được xếp loại là di tích khảo cổ học, gồm có: Di tích khảo cổ Hòn Hai – Cô Tiên, di tích khảo cổ Cái Dăm, di chỉ khảo cổ Cột 8, di chỉ khảo cổ vườn hoa Cột 8, di chỉ Tuần Châu, di chỉ Xích Thổ và di chỉ Làng Bang.

Di vật sành, gốm men ở địa điểm Bến Gạo Rang xã Thống Nhất. Ảnh: Bảo tàng Quảng Ninh.
Di vật sành, gốm men ở địa điểm Bến Gạo Rang xã Thống Nhất. Ảnh: Bảo tàng Quảng Ninh.

Tuy nhiên, theo ông Đỗ Quyết Tiến, Giám đốc Bảo tàng Quảng Ninh, nếu chỉ có 7 di tích vừa nêu được coi là di tích khảo cổ học thì sự xếp loại này chưa toàn diện và chưa đánh giá hết trữ lượng cũng như tiềm năng của loại hình di tích khảo cổ trên địa bàn thành phố. Theo nghiên cứu và khảo sát, thống kê của Bảo tàng Quảng Ninh, hiện nay trên địa bàn TP Hạ Long phải có đến 28 điểm di tích có tính chất khảo cổ học. Ngoài 7 di tích kể trên còn các di tích khác, như: Danh lam thắng cảnh núi Mằn ở xã Thống Nhất, xã Đồng Lâm và phường Hoành Bồ; chùa Hàm Long, chùa Bồ Đài (ở phường Đại Yên); chùa Vạn Yên (Vạn Thánh) ở phường Việt Hưng; đình và đền Đồng Chùa ở xã Vũ Oai; chùa Thủy Liêm ở xã Đồng Lâm; danh lam thắng cảnh Vịnh Hạ Long; di chỉ Đồng Mang, phường Giếng Đáy…

Trong đó, tại xã Thống Nhất có rất nhiều di tích, như: Đình Làng Bang, chùa Ba Ván, chùa Quýt, di chỉ Xích Thổ, di chỉ Làng Bang, bến Bang, bến Gạo Rang và miếu Thánh Mẫu. Trên địa bàn xã Sơn Dương cũng có nhiều di tích khảo cổ, như: Chùa Thanh Vân ở xã Sơn Dương, hang Hà Lùng, đình Vân Phong, đình Vườn Rậm và đình Đồng Đạng.

Hiện vật tìm được khi khai quật khảo cổ học tại di tích Hòn Hai Cô Tiên, phường Bạch Đằng.
Hiện vật tìm được khi khai quật khảo cổ học tại di tích Hòn Hai Cô Tiên, phường Bạch Đằng. Ảnh: Bảo tàng Quảng Ninh.

Những khảo sát sơ bộ về khảo cổ học tại Hạ Long cho thấy, cách đây một vạn năm đã có người Việt cổ cư trú trên đất này. Những dấu vết sớm nhất của con người được tìm thấy trong rất nhiều hang động núi đá ở khu vực Giáp Khẩu phường Hà Khánh, khu Đồng Mang phường Giếng Đáy, đảo Tuần Châu, khu Cọc 8. Đặc biệt, có nhiều dấu vết cư trú của người Việt cổ ở Vịnh Hạ Long trên các hang động, như: Hang Trống, hang Ốc, hang Bồ Nông, hang Bồ Quốc, hang Thiên Long, hang Mê Cung, hang Tiên Ông. Hay như tại một số hang đá Đồng Đạng, Hà Lùng của xã Sơn Dương cũng có dấu vết con người cổ đại. Đây là những di chỉ khảo cổ được các nhà khoa học xếp vào hai thời kỳ Văn hoá Soi Nhụ và Văn hoá Hạ Long. Đó là những bằng chứng sinh động cho luận điểm rằng, con người tiền sử đã cư trú ở Hạ Long từ rất sớm.

Bên cạnh các di tích khảo cổ có dấu vết của người Việt cổ thì trong lòng đất Hạ Long còn ẩn chứa nhiều lớp trầm tích khẳng định vị trí, vai trò của vùng đất này như một cửa ngõ của Đại Việt xưa. Các di tích khảo cổ học được phát hiện có niên đại trải dài từ thời Trần, thời Lê Trung Hưng và thời Nguyễn. Trong đó, các di tích liên quan đến thời Trần tiêu biểu như: Đình Làng Bang, chùa Vân Phong, chùa Ba Ván, bến Bang, bến Gạo Rang, bến Đâm Gạo, chùa Thuỷ Liêm… Hệ thống chân tảng bằng đá ở chùa Bang, chùa Ba Ván có kiến trúc trang trí thời Trần rất tinh xảo. Các loại gạch vuông trang trí hoa sen, hoa mẫu đơn tìm thấy ở khu vực Xích Thổ và bến Gạo Rang cho phép suy luận rằng nơi đây có thể là một phủ đệ lớn của hoàng thất nhà Trần.

Tuy nhiên, trải qua biến thiên lịch sử, nhiều di tích chỉ còn lại ở dạng phế tích. Một số công trình được xây dựng tự phát, không có cơ sở khoa học đã làm cho việc nhận diện về quy mô, cấu trúc, tính chất và giá trị của di tích gặp rất nhiều khó khăn. Vì thế, việc điều tra, khảo sát, khai quật, đánh giá di tích là nhiệm vụ khoa học cấp thiết giúp khoanh vùng bảo vệ, tôn tạo và phát huy giá trị di sản văn hoá.

Theo ông Đỗ Quyết Tiến, di tích có tính chất khảo cổ học tại Hạ Long đã khẳng định tiềm năng của loại hình tài nguyên khảo cổ học là rất lớn. Phát huy tốt thế mạnh của nguồn tài nguyên này là nguồn lực quan trọng cho sự phát triển khoa học, văn hóa và du lịch của địa phương…

Cần thêm thông tin du lịch trải nghiệm đặc trưng văn hóa Hạ Long, Quảng Ninh – Liên hệ May 5 Travel – 0387888983 (zalo/sđt)