Đại diện hãng lữ hành Vietravel tại Quảng Ninh cho biết, nhằm cung cấp thêm các sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn cho du khách, hãng sẽ mở sản phẩm “Free Walking Tour Ha Long” – Chương trình tham quan du lịch miễn phí kết hợp hành trình đi bộ – với chủ đề “Thưởng ngoạn hoàng hôn trên bờ Di sản”.
Với tour này, những người làm du lịch hi vọng giúp du khách có thể trải nghiệm những điểm đến đặc sắc tại TP Hạ Long với những góc nhìn mới lạ và thú vị. Ra mắt vào chiều 25.4, tour mới sẽ được tổ chức vào 16-18h các ngày thứ 7 hàng tuần, dành cho mọi du khách trong nước và quốc tế.
Tham quan Trung tâm Văn hóa núi Bài Thơ, Đền Đức ông Trần Quốc Nghiễn, đi bộ dọc đường bao biển qua cầu Bài Thơ, tìm hiểu về bài thơ cổ của vua Lê Thánh Tông dưới chân núi Bài Thơ.
Những bài thơ cổ được khắc trên vách núi Bài Thơ nổi tiếng từ lâu nhưng chỉ thỉnh thoảng có những du khách đến tham quan, tìm hiểu.
Những giá trị đặc biệt của những bài thơ khắc trên vách núi đến đông đảo du khách hơn và hi vọng sẽ ngày càng có nhiều du khách đến tham quan, nghiên cứu.
Núi Bài Thơ nằm ở trung tâm Hạ Long, bên bờ vịnh Hạ Long có 12 bài thơ được khắc trên vách núi đá, trong đó có 2 bài nổi tiếng nhất là của vua Lê Thánh Tông và chúa Trịnh Cương. Năm 1468, trong một lần đi tuần qua đây, xúc động trước cảnh đẹp sơn thủy hữu tình của thiên nhiên, nhà thơ – nhà vua Lê Thánh Tông đã cho khắc một bài thơ lên vách núi đá.
Bài thơ được khắc lên trên một vách đá khá phẳng, cách mặt đất chừng 2,5 m. Bài thơ thất ngôn bát cú gồm 56 chữ Hán, nhiều chữ đã mờ. May mắn, bài thơ trên có chép trong thư tịch cổ, nên đó chính là chỗ dựa của các nhà nghiên cứu. Không chỉ là một tác phẩm văn học, bài thơ này của vua Lê Thánh Tông còn được coi là một tuyên ngôn về hòa bình và xây dựng đất nước.
Bản dịch bài thơ cổ của vua Lê Thánh Tông của nhà thơ Trần Nhuận Minh:
Nhận nước trăm sông sóng cuộn đầy
Núi bày cờ thế, biếc liền mây
Xưa theo kẻ khác luôn bền chí
Giờ đã tung hoành một chớp tay
Ðế Chủ điệp trùng quân hổ mạnh
Hải Ðông đã tắt khói lang bay
Trời Nam muôn thuở non sông vững
Yển vũ tu văn dựng nước này!
261 năm sau, vào năm 1729, chúa An Đô Vương Trịnh Cương – một nhà thơ nổi tiếng thời Lê – Trịnh, cũng đem quân đi tuần qua đây. Đọc thấy bài thơ của vua Lê Thánh Tông, chúa Trịnh bèn họa lại bằng một bài thất ngôn bát cú, lấy theo vần “yên” của bài trước, dùng lại 4 chữ “thiên” “quyền” “yêu” “niên” trong bài của Lê Thánh Tông.
Bản dịch của Hà Minh bài thơ họa của Trịnh Cương:
Biển rộng mênh mang, nước dâng đầy
Núi chìm xuống nước, nước tràn mây
Bàn tay tạo hóa sao khéo dựng
Cảnh đẹp thần tiên một chốn này
Mùi tanh giặc thác còn đâu đó
Cỏ hoa sương khói vẫn còn đây
Ba quân tướng sĩ đều vui vẻ
Bữa tiệc biển khơi chén rượu đầy
Bài thơ của Trịnh Cương được khắc theo lối chữ hành, trên một vách đá nghiêng xuống đất, nên tránh bị xói mòn. Đến nay nét khắc còn rõ nguyên, rất dễ đọc.
Cần thêm thông tin du lịch trải nghiệm đặc trưng văn hóa Hạ Long, Quảng Ninh – Liên hệ May 5 Travel – 0387888983 (zalo/sđt)